Lê Quang Vinh biểu diễn và ghi lại bài hát “Nhớ lắm trường ơi”.
Gặp lại Lê Quang Vinh sau 2 năm kể từ ngày cậu bé đạt ngôi vị quán quân cuộc thi tìm kiếm tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình, nét tươi tắn và căng tràn sức sống của Quang Vinh vẫn khiến người đối diện bị cuốn hút. Có người gọi em là tài năng nhí nhưng cũng có người gọi em là thần đồng vì tìm kiếm giữa hàng triệu đứa trẻ Việt, hiếm hoi lắm mới có cậu bé hát xẩm, hát chèo, hát chầu văn điêu luyện và hay đến vậy. Bởi thế mà trong tất cả các hoạt động của trường đều không thể vắng mặt cậu bé này.
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Lãm chia sẻ: Ngay từ khi Quang Vinh bước vào lớp 1, chúng tôi đã nhận thấy con có năng khiếu về âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc truyền thống. Vì vậy, trong tất cả các hoạt động của trường, Quang Vinh và câu lạc bộ âm nhạc luôn là tâm điểm thu hút mọi ánh nhìn của học sinh cũng như giáo viên toàn trường. Trên lớp, con học đều tất cả các môn và hòa đồng cùng bạn bè. Chữ con rất đẹp, trình bày bài vở sạch sẽ, khoa học. Vì thế, con luôn được bạn bè, thầy cô quý mến.
Sinh ra trong một gia đình có bố và chị gái là những nghệ sĩ chèo nên ngay từ khi bi bô tập nói, âm nhạc truyền thống đã ngấm vào máu của Lê Quang Vinh.
Kể về con đường đến với ca hát, anh Lê Đình Khoa, bố Quang Vinh bồi hồi nhớ lại: Khi Vinh tầm 3 tuổi, con đã có thể hát được trọn vẹn một bài chèo với làn điệu đơn giản. Thời điểm ấy tôi dạy chị của Vinh hát chèo, Vinh nghe rồi hát theo. Đến khi Vinh 5 tuổi, tôi dạy con hát chầu văn, xẩm. Tôi thấy con thật sự có năng khiếu và đam mê. Cứ thế, niềm đam mê nghệ thuật truyền thống của con lớn dần theo năm tháng. Vì vậy, ngoài thời gian con học trên lớp và hoàn thành bài học ở nhà, mỗi ngày, tôi và con thường dành chút ít thời gian để cùng nhau luyện những làn điệu chèo cổ.
Anh Lê Đình Khoa chia sẻ tiếp: Quang Vinh có khiếu cảm thụ âm nhạc rất tốt. Thường để học một làn điệu chèo, con chỉ cần thời gian rất ngắn là thuộc và biểu diễn như trên sân khấu.
Lê Quang Vinh (áo trắng) chăm chú học trên lớp.
Lê Quang Vinh chia sẻ: Khi còn nhỏ, em thấy các bạn thích nghe những bài hát như: Con cò bé bé, Con chim non… nhưng em lại rất thích nghe hát chèo. Em thường sử dụng những mảnh vải thừa do mẹ em may quần áo để cuốn thành quần áo giống như các nghệ sĩ biểu diễn chèo. Lớn lên, em càng đam mê hát chèo, chầu văn và hát xẩm và được bố thường xuyên dạy hát.
Đối với Quang Vinh, âm nhạc vô cùng kỳ lạ. Hễ nhạc nổi lên, em lại đắm chìm vào thế giới của mình. Bởi thế mà mỗi khi mệt mỏi hay học tập căng thẳng, em lại có cách để giải tỏa rất riêng vì với em, âm nhạc là liều thuốc tinh thần hữu hiệu nhất trong mọi thời điểm. Có lẽ vì thế mà trong 3 tháng nghỉ học do dịch Covid-19, em đã tìm đến những làn điệu chèo để gửi gắm những tâm tư, tình cảm, đó là nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè, thầy cô và mong muốn sớm được đi học trở lại.
Quang Vinh tâm sự: Em đã nhờ chị họ mình đang công tác ở Nhà hát Chèo Hưng Yên viết lời bài hát “Nhớ lắm trường ơi”. Lần đầu tiên nghe, em đã rất thích và chỉ sau 2 ngày, em đã thuộc bài chèo này.
Không chỉ biết hát các thể loại nhạc truyền thống, Lê Quang Vinh còn được biết đến là một vũ công nhí đầy triển vọng. 4 năm học khiêu vũ cũng là chừng ấy thời gian em giành rất nhiều giải thưởng cấp tỉnh, thành phố. Gần đây nhất, em vinh dự đạt giải “Giọng hát thiếu nhi hay nhất” với bài hát “Nhớ lắm trường ơi” tại cuộc thi tác phẩm âm nhạc dân gian tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.
Theo Báo Thái Bình